Mô hình kim cương của Michael Porter là phương pháp tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững cho một ngành/ lĩnh vực cụ thể của quốc gia đó trên thị trường. Lý thuyết mô hình kim cương được nghiên cứu bởi Michael Porter – Người sáng lập Viện Chiến lược và Năng lực cạnh tranh tại Trường Kinh doanh Harvard.
Lý thuyết mô hình kim cương của Porter – Phân tích 4 Yếu tố cơ bản
1. Tính sẵn có của các yếu tố sản xuất
Tính sẵn có của các yếu tố sản xuất chính là trọng tâm của học thuyết Heckscher – Ohlin. Ông đã phân tích kỹ lưỡng đặc tính của các yếu tố sản xuất. Ông thừa nhận sự phân cấp của các yếu tố sản xuất, phân biệt giữa các yếu tố cơ bản (nguồn tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nhân khẩu học) và các yếu tố cao cấp (hạ tầng truyền thông, lao động lành nghề và trình độ cao, các cơ sở nghiên cứu và bí quyết công nghệ). Các yếu tố cao cấp đóng vai trò hết sức quan trọng trong lợi thế cạnh tranh.
Không giống như các yếu tố sẵn có tự nhiên, các yếu tố cao cấp lại là sản phẩm đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Do vậy, các khoản đầu tư của chính phủ vào đào tạo cơ bản và nâng cao để cải thiện trình độ kiến thức và kỹ năng chung của dân chúng cũng như kích thích nghiên cứu chuyên sâu tại các cơ sở giáo dục cấp cao hơn có thể giúp nâng cấp các yếu tố cao cấp của một quốc gia.
Mối quan hệ giữa yếu tố cao cấp và cơ bản rất phức tạp. Các yếu tố cơ bản có thể cung cấp lợi thế ban đầu và sau đó được củng cố mở rộng thông qua đầu tư các yếu tố cao cấp. Ngược lại, các bất lợi của các yếu tố cơ bản có thế tạo ra những áp lực buộc phải đầu tư vào các yếu tố nâng cao.
2. Các điều kiện về nhu cầu
Ông nhấn mạnh vai trò nhu cầu của nội địa trong việc giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Do doanh nghiệp nhạy cảm với những khách hàng ở gần họ nhất nên những đặc điểm của nhu cầu thị trường nội địa có quyết định quan trọng trong việc định hình các thuộc tính của sản phẩm chế tạo trong nước và tạo động lực cho việc sáng tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh khi người tiêu dùng trong nước sành điệu và đòi hỏi cao. Như vậy sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp để nổ lực đáp ứng nhu cầu cùa khách hàng về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
3. Các ngành công nghiệp liên kết và phụ trợ
Lợi ích có được do các ngành liên kết phụ trợ đầu tư vào các yếu tố sản xuất cao cấp có thể sẽ lan tỏa sang một ngành khác. Từ đó giúp ngành này đạt được một vị trí cạnh tranh vững mạnh trên thế giới.
Các ngành thành công trong phạm vi một quốc gia có xu hướng tập hợp với nhau thành các cụm gồm các ngành có liên quan.
Kiến thức giá trị có thể luân chuyển giữa các doanh nghiệp trong cùng một cụm. Từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp khác cùng nằm trong cụm đó. Các luồng kiến thức sẽ luân chuyển khi nhân viên di chuyển giữa các doanh nghiệp trong nội bộ cụm công nghiệp và khi các nghiệp đoàn quốc gia tập hợp công nhân từ các doanh nghiệp khác nhau tại các cuộc hội nghị hoặc hội thảo định kỳ.
4. Chiến lược, cấu trúc doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Sự khác biệt về đặc điểm, hệ tư tưởng có thể giúp hoặc không giúp doanh nghiệp trong việc tạo dựng lợi thế quốc gia.
Có sự liên hệ chặt chẽ giữa mức độ cạnh tranh trong một quốc gia, sự sáng tạo, sự duy trì lâu dài của lợi thế cạnh tranh trong một ngành. Mức độ cạnh tranh mạnh mẽ trong nước tạo áp lực cho doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng, tìm cách nâng cao hiệu quả từ đó tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, hai yếu tố khác đó là cơ hội và chính phủ cũng ảnh hưởng đến mô hình kim cương quốc gia.
Mô hình kim cương của Michael Porter mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trên trường Quốc tế nhờ vào việc tối ưu 4 yếu tố cơ bản trong mô hình.