Động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp: thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam

Động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp: thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam - Tamsongroup.com

Bài viết nghiên cứu động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp tại Việt Nam. Kết quả phỏng vấn chuyên gia chỉ ra thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây và thực trạng vai trò của các yếu tố động lực trong quy trình hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất 2 nhóm giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam đối với người có ý định khởi nghiệp, vừa mới khởi nghiệp, với Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội và ngày càng được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ. Trong những năm gần đây, các hội thảo và diễn đàn về phát triển khởi nghiệp được tổ chức rộng khắp; các tổ chức Nhà nước và tư nhân hình thành nhằm trợ giúp khởi nghiệp ngày càng phổ biến. Năm 2019, Việt Nam có 116.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 898.094 tỷ đồng, tăng 18,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 49,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018 (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 2019).

Tuy nhiên, khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ một cách thích đáng và còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2018, chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2016/2017 (GEM 2016/2017) cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, chỉ có 3 yếu tố được đánh giá cao (cơ sở hạ tầng, sự năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội), 9 yếu tố còn lại được xếp dưới mức trung bình (3 yếu tố thấp nhất là chương trình hỗ trợ của Chính phủ, tài chính cho kinh doanh, chỉ số giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông). Với mong muốn có thể đóng góp vào quá trình thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam, nhóm tác giả đi sâu vào nghiên cứu chủ đề “Động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam”. Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và vai trò của các yếu tố động lực trong quy trình hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đối với những người có ý định, vừa mới khởi nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp.

2. Cơ sở lý luận

Thuyết hành vi dự định (Theory of Planned Behavior – TPB)

Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với nền kinh tế. Tại Mỹ, khởi nghiệp được xem là yếu tố chính thúc đấy tăng trưởng kinh tế (Karen, 2012). Ndubisi (2017) đã nhấn mạnh vai trò của khởi nghiệp và đổi mới trong hoạt động hỗ trợ cạnh tranh, tăng trưởng và tạo việc làm. Thuyết hành vi dự định (Ajzen, 1991) xuất phát từ thuyết hành động hợp lý của Ajzen và Fishbein (1975). Từ thuyết hành động hợp lý, Ajzen (1991) đã phát triển thuyết hành vi dự định khẳng định hành vi cá nhân được dẫn dắt bởi ý định hành vi và ý định hành vi bao hàm ba nhân tố, đó là: thái độ, chuẩn chủ quan và kiểm soát hành vi cảm nhận.

Áp dụng thuyết hành vi dự định (Ajzen, 1991) vào ý định và hành vi khởi nghiệp, ý định khởi nghiệp là trung gian trong mối quan hệ giữa hành vi thực tế và các yếu tố thái độ, chuẩn chủ quan và kiểm soát hành vi cá nhân. Cụ thể, nếu nhà khởi nghiệp cảm nhận một cách tích cực về khởi nghiệp, cảm thấy xã hội đánh giá cao về khởi nghiệp và cảm nhận mình có khả năng khởi nghiệp thì ý định khởi nghiệp sẽ càng được phát triển.

Quy trình hình thành và phát triển của ý định khởi nghiệp

Chuluunbaatar và các cộng sự (2017) đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Quy trình khởi nghiệp: vai trò của vốn xã hội và điều kiện kinh tế xã hội”. Nghiên cứu hướng đến ba mục tiêu: dự đoán sự tồn tại của ý định hành vi khởi nghiệp (entrepreneurial behavioural intention) trong các điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; xem xét quá trình hình thành hành vi khởi nghiệp (entrepreneurial behavior) từ ý định hành vi khởi nghiệp; và xác định ảnh hưởng của vốn xã hội đến quá trình này. Các tác giả đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của ý định khởi nghiệp qua mô hình (Xem Hình).

Động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp: thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam - Tamsongroup.com

Theo mô hình trên, có hai nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp là đặc điểm nhận thức cá nhân và tính cách cá nhân.

Nghiên cứu chỉ ra tác động vừa phải của vốn xã hội đến mối quan hệ giữa ý định khởi nghiệp và hành vi khởi nghiệp. Theo Chuluunbaatar và các cộng sự (2017), 57% biến động ý định khởi nghiệp được giải thích bằng vốn xã hội. Vốn xã hội có tác động hỗn hợp lên ý định khởi nghiệp. Theo mô hình trên của Chuluunbaatar và các cộng sự (2017), vốn xã hội được hiểu là các mối quan hệ xã hội và sự tin cậy trong các mối quan hệ xã hội. Vốn xã hội tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh, thành công và tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Quan hệ xã hội dựa trên sự tin cậy cho phép mối liên hệ, trao đổi giữa nhà khởi nghiệp và các đối tác thuận lợi hơn. Điều này khích lệ nhà khởi nghiệp làm việc chủ động hơn, cạnh tranh hơn, sáng tạo hơn, cũng như chấp nhận rủi ro nhờ vào sự tin cậy và hỗ trợ của các đối tác.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để xây dựng luận cứ khoa học cho nghiên cứu, chúng tôi thu thập và tham khảo các nghiên cứu về khởi nghiệp trong và ngoài nước, các tạp chí khoa học, giáo trình kinh tế về khởi nghiệp, các hội thảo và diễn đàn về khởi nghiệp,… Đặc biệt, nhóm nghiên cứu sử dụng Báo cáo thường niên doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Báo cáo chỉ số khởi nghiệp toàn cầu của Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) để cập nhật các chỉ số về thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Trên cơ sở các thông tin thu thập được, chúng tôi tiến hành phỏng vấn một số chuyên gia và chủ doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 – 2019 trên địa bàn Hà Nội. Nội dung phỏng vấn chủ yếu xoay quanh ba vấn đề chính, cụ thể: (i) thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam, (ii) thực trạng vai trò của các yếu tố động lực trong quy trình hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp, và (iii) một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam.

Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu để thu thập ý kiến đánh giá của các chuyên gia. Đây là phương pháp phỏng vấn thích hợp giúp chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau, mới mẻ từ người tham gia phỏng vấn.

Từ các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được, nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh để đưa ra những minh chứng cụ thể của vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, Việt Nam đang trên đà phát triển và cần đến những doanh nhân nhiệt huyết ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… xem Việt Nam là một thị trường đầu tư và kinh doanh tiềm năng. Khởi nghiệp tại Việt Nam thực sự đã trở thành một trào lưu, đặc biệt trong cộng đồng giới trẻ hiện nay. Theo số liệu từ Cục Quản lý kinh doanh, tính đến tháng 10/2019, cứ mỗi giờ, Việt Nam có thêm 16 doanh nghiệp mới. Năm 2019 là năm số doanh nghiệp tăng cao kỷ lục và là lần đầu tiên Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp thành lập trong 1 năm.

Theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp GEM 2018/19, tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có cơ hội để khởi nghiệp là 56.8%, tăng cao so với năm 2017 là 39,4%, xếp thứ 9/60, cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, Báo cáo GEM 2018/19 cho thấy 75,8% ý kiến cho rằng doanh nhân thành công được xã hội xem trọng, 73,3% ý kiến cho rằng khởi sự kinh doanh là một lựa chọn nghề nghiệp tốt. Hai tiêu chí này được xếp vị thứ tương đối khá trên tổng 60 nước được đánh giá, lần lượt là 16/60 và 11/60.

Tuy nhiên, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề khiến nhiều người e ngại khởi nghiệp hoặc mong muốn khởi nghiệp tại một nơi khác. Theo GEM 2018/19, tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có khả năng khởi nghiệp là 56,8%, ngang bằng với tỷ lệ nhận thấy cơ hội kinh doanh là 56,8%, xếp thứ 19/60. Tuy nhiên, tỷ lệ sợ thất bại khi khởi nghiệp, mặc dù đã giảm so với năm 2016 nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Cụ thể, năm 2018, có đến 45,6% người trưởng thành sợ thất bại khi khởi nghiệp (năm 2016 và 2017 lần lượt là 50,1% và 56,7%).

4.2. Thực trạng vai trò của các yếu tố động lực trong quy trình hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp

Kết quả phỏng vấn chuyên gia cho thấy đặc điểm nhận thức cá nhân tác động tích cực đến quá trình hình thành ý định khởi nghiệp. Hầu hết các chủ doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đều đặt câu hỏi: “khởi nghiệp có lợi hay không?” và “khởi nghiệp có khả thi hay không?” trong quá trình hình thành ý định khởi nghiệp. Tính khả thi và tính có lợi của khởi nghiệp mà cá nhân nhận thấy là yếu tố tiền đề để hình thành và tác động đáng kể đến ý định khởi nghiệp. Theo GEM 2018/19, hầu hết các cá nhân khởi nghiệp trên thế giới đều khởi nghiệp với động cơ là tìm kiếm và theo đuổi cơ hội hơn vì tính cần thiết của khởi nghiệp. Báo cáo cũng chỉ ra ở các nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, 69% nhà khởi nghiệp xem tìm kiếm và theo đuổi cơ hội là động cơ thúc đẩy khởi nghiệp cơ bản hơn do tính cần thiết của khởi nghiệp.

Xét về tính cách cá nhân, phỏng vấn cho thấy tồn tại mối liên hệ về mặt tính cách đến ý định khởi nghiệp. Cụ thể, hầu hết các chủ doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đều có chung 3 đặc tính nổi trội là tính hướng ngoại, tận tâm và sẵn sàng trải nghiệm.

Xét về tác động của vốn xã hội và các điều kiện kinh tế – xã hội, các chuyên gia và các chủ doanh nghiệp đều đồng ý rằng các yếu tố này tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp và quyết định khởi nghiệp. Cụ thể, theo các chủ doanh nghiệp, có 3 lý do để các cá nhân chọn khởi nghiệp tại Việt Nam, cụ thể: (i) các cá nhân là các công dân Việt Nam nên sẽ dễ dàng nắm bắt điều kiện luật pháp và kinh doanh, (ii) Việt Nam có môi trường kinh doanh đầy tiềm năng, (iii) khởi nghiệp tại Việt Nam có chi phí thấp hơn ở nước ngoài, và (iv) điều kiện an ninh và chuẩn mực xã hội của Việt Nam tương đối tốt. Mặt khác, một số cá nhân mong muốn khởi nghiệp ở nước ngoài hơn ở Việt Nam vì thủ tục ít rườm rà hơn.

Ngoài ra, họ còn bị bị thu hút bởi môi trường kinh doanh năng động, chuyên nghiệp và các chính sách ưu đãi đầu tư của các quốc gia như Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Singapore,… Thêm vào đó, một số ý kiến phàn nàn về cơ sở hạ tầng, giao thông và dịch vụ còn chưa tốt như vấn đề lụt lội, ách tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, sự chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp trong các khâu xử lý hành chính của các Cơ quan Nhà nước…

5. Giải pháp

Dựa trên kết quả nghiên cứu về thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và tác động của các yếu tố động lực đến ý định khởi nghiệp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau nhằm thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam:

Đối với những người có ý định và vừa mới khởi nghiệp

Thứ nhất, các cá nhân có ý định khởi nghiệp cần xác định rõ mục tiêu khởi nghiệp. Việc xác định mục tiêu là bước đầu cơ bản trong mọi hoạt động. Đối với khởi nghiệp, việc biết mình cần gì từ hoạt động kinh doanh, điều mình muốn hướng đến là nền tảng để định hướng cho hoạt động kinh doanh, làm cơ sở cho tất cả các bước tiếp theo. Từ đó, con đường dẫn đến mục tiêu sẽ được rút ngắn hơn, các quyết định và lựa chọn của người muốn khởi nghiệp chính xác hơn.

Thứ hai, các cá nhân có ý định khởi nghiệp cần tìm hiểu kỹ về hoạt động khởi nghiệp và môi trường khởi nghiệp. Nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu mình phải đáp ứng những yêu cầu gì, những yêu cầu pháp luật nào cần phải tuân thủ khi thành lập doanh nghiệp, tình hình hoạt động chung của các doanh nghiệp ở cùng lĩnh vực như thế nào… Việc tìm hiểu kỹ về khởi nghiệp giúp người có ý định khởi nghiệp biết được mình cần chuẩn bị những gì cho hoạt động khởi nghiệp, tránh những sai sót và lãng phí không đáng có.

Thứ ba, các cá nhân có ý định khởi nghiệp cần lập chiến lược kinh doanh cụ thể. Một chiến lược kinh doanh bài bản là bước đầu của quá trình khởi nghiệp. Để làm được điều này, người có ý định khởi nghiệp cần vẽ ra từng bước đi cụ thể của doanh nghiệp để đi đến thành công. Việc tham dự khóa học lập chiến lược kinh doanh, tham khảo ý kiến tư vấn của những người đi trước sẽ góp phần giúp người muốn khởi nghiệp xây dựng được chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

Đối với các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp

Thứ nhất, để khắc phục điểm yếu nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là giáo dục khởi nghiệp, chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem đây là một nội dung phải được giảng dạy một cách rộng rãi ở các cấp học. Các kiến thức về khởi nghiệp giúp các sinh viên ra trường không còn bỡ ngỡ về khởi nghiệp và tự tin xây dựng kế hoạch khởi nghiệp cho riêng mình.

Thứ hai, chính phủ cần nâng cao các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tuy gần đây đã được quan tâm tổ chức nhưng vẫn còn yếu kém. Khởi nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn nữa, rộng rãi đến từng địa phương để phong trào khởi nghiệp thật sự lan rộng. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp có thể là các diễn đàn, hội thảo, đào tạo về khởi nghiệp của quốc gia hoặc có hợp tác với nước ngoài; các chính sách hỗ trợ nhà khởi nghiệp…

Thứ ba, để khắc phục tình trạng “chảy máu quốc tịch doanh nghiệp”, Chính phủ cần xem xét ghi nhận các hạn chế, rườm rà trong các khâu thủ tục vốn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bỏ sang nước khác khởi nghiệp vì thủ tục đơn giản hơn. Từ đó, Chính phủ cần có những cải tiến cụ thể và thiết thực để thủ tục thành lập doanh nghiệp được gọn nhẹ hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần có các biện pháp nghiêm khắc để loại bỏ các vấn đề tiêu cực như hối lộ, tham nhũng… để chúng không còn là rào cản hoạt động khởi nghiệp.

Thứ tư, Chính phủ cần quan tâm xem xét đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nâng cao chất lượng môi trường sống để tạo cơ sở vật chất và môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh. Điều kiện kinh tế – xã hội phát triển góp phần thúc đẩy ý định khởi nghiệp của các cá nhân. Cơ sở hạ tầng giao thông công cộng thông suốt, dịch vụ công nghệ thông tin hiện đại, môi trường sống trong lành,… là những yếu tố quan trọng giúp tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp.

6. Kết luận

Nghiên cứu “Động lực và sự phát triển của ý định khởi nghiệp: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam” đã nêu lên thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa được quan tâm và hỗ trợ thích đáng. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ còn yếu kém, giáo dục khởi nghiệp chưa được thực hiện trong nhà trường và một số các điểm hạn chế về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng phục vụ môi trường kinh doanh,…

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của cá nhân, gồm: đặc điểm nhận thức, tính cách, vốn xã hội, và điều kiện kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy động lực khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhóm các giải pháp dành cho người muốn khởi nghiệp và mới khởi nghiệp tập trung vào các bước tìm hiểu và chuẩn bị khởi nghiệp để kế hoạch khởi nghiệp thành công. Nhóm các giải pháp kiến nghị với Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước tập trung vào phát triển giáo dục và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khắc phục các hạn chế về thủ tục hành chính và đầu tư nâng cao cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

GỌI NGAY
icons8-exercise-96 chat-active-icon
chat-active-icon